Dấu hiệu căng thẳng: Dân xếp hàng mua, chủ đại lý hết xăng dầu
08/02/2022 14:00 GMT+7
Nguồn cung xăng dầu đang bị ảnh hưởng do lọc dầu Nghi Sơn chưa thể vận hành bình thường, trong khi đó giá bán ra thấp hơn giá mua vào khiến nguồn cung càng khan hiếm.
Áp lực lớn, hụt nguồn cung: Giá xăng dầu vào đợt tăng mạnh
Giá dầu lên cao nhất 8 năm, giá xăng trong nước chờ đợt tăng mạnh
Giá dầu lên cao nhất 8 năm, giá xăng trong nước tăng giá
Dân xếp hàng chờ mua xăng mà thấy… buồn
Đó là tâm sự của ông Lê Văn Quý, chủ doanh nghiệp tư nhân Quý Điều (Đắk Lắk) khi sáng ngày 8/2, nhân viên báo rằng khách hàng xếp hàng chờ đổ xăng trước cửa cây xăng.
1 cây xăng ở Đắc Lắk tạm dừng bán hàng
“Sáng nay khách hàng vây kín cây xăng của chúng tôi vì các cây xăng khác đều đóng cửa. Sáng nay nhân viên bán hàng bảo khách xếp hàng chờ mua xăng. Nhưng thực sự hiện nay mỗi lít xăng bán ra chúng tôi lỗ khoảng 650 đồng/lít”, ông Lê Văn Quý cho biết.
“Chưa bao giờ bán hàng khách xếp hàng chờ đồ xăng mà thấy buồn, chứ không phải khách vây tới mà vui đâu”, ông Quý chia sẻ.
“Doanh nghiệp đầu mối bán tại kho bằng với giá bán lẻ Nhà nước quy định. Ngày xưa ký hợp đồng thì họ chở về tận nơi, còn giờ phải lấy tại kho và chịu tiền cước. Trong khi đó, chở hàng từ Bình Dương về Tây Nguyên mất 750 đồng tiền cước cho 1 lít xăng dầu, đàm phán với chủ xe thì giảm được 100 đồng. Như vậy mỗi lít xăng lỗ 650 đồng/lít, chưa kể hao hụt, chi phí vận hành”, chủ cây xăng này cho hay.
Hôm qua, chủ cây xăng này cũng đã gọi điện đặt hàng với đầu mối xăng dầu nhưng “không ai dám khẳng định có hàng hay không”. Trong khi đó, với tốc độ bán hàng như hiện nay, các cây xăng xung quanh đều đóng cửa thì chỉ 2 ngày là hết sạch xăng dầu để bán.
Thực tế, nhiều cây xăng ở Tây Nguyên tiếp tục lo ngại khi nhận được thông báo Chiết khấu vừa được Thương nhân phân phối xăng dầu Petro Times gửi tới.
Theo đó, giá bán lẻ tại kho với dầu DO 0.05S-II là 18.900 đồng/lít, thì chiết khấu âm từ 180 đến 350 đồng/lít. Có nghĩa, một lít dầu DO, cây xăng phải mua với giá 19.080 đồng/lít đến 19.250 đồng/lít.
Theo nhiều chủ cây xăng, tình hình này đã diễn ra cả tháng nay. Trong khi đó doanh nghiệp xăng dầu chỉ chịu được 5-7 ngày. Việc nguồn cung và giá cả như vậy khiến nhiều cây xăng không thể chịu được phải đóng cửa.
Giám đốc một DN đầu mối xăng dầu ở Đà Nẵng cho biết do nhập hàng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất nên nguồn hàng vẫn ổn định, đáp ứng được nguồn cung cho các cửa hàng xăng dầu thuộc công ty, đảm bảo trong thành phố không bị mất nguồn. Còn hàng cung cấp cho các đại lý bên ngoài có phần thiếu hụt.
“Với việc lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa đảm bảo nguồn cung, thị trường miền Bắc có lẽ bị ảnh hưởng vì nhập khẩu không kịp. Mặt khác, giờ chưa điều chỉnh giá, nên chênh lệch giá bán lẻ xăng là gần 2.000 đồng/lít, dầu là 1.600 đồng/lít nên không đời nào họ dám nhập bởi nhập khẩu về là sẽ bị lỗ. Giờ bán xăng dầu là doanh nghiệp phải bán lỗ. Chúng tôi lấy hàng ngay tại nhà máy về đã lỗ 500 đồng/lít xăng nhưng vẫn buộc phải bán”, vị này cho biết.
“Đúng ra giá xăng dầu điều chỉnh dịp Tết, nhưng do nghỉ Tết nên không điều chỉnh được, ngày 11/2 mới đến kỳ điều hành. Giờ có xăng bán là tốt rồi, nên có lỗ thì cũng chia sẻ, để phục vụ người dân, doanh nghiệp”, doanh nghiệp đầu mối này cho hay.
Năm 2021 từng có cảnh dân xếp hàng mang can đi mua xăng dầu
Phải đảm bảo nguồn cung
Chia sẻ với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Ngay từ trước Tết, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có chỉ đạo đến các Sở Công Thương và lực lượng quản lý thị trường giám sát chặt chẽ thị trường xăng dầu. Mấy hôm nay chúng tôi trực tiếp liên hệ với các đơn vị có liên quan như Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, đến tận nơi yêu cầu các cây xăng tạm dừng bán phải có lý do chính đáng. Mặt khác, Bộ cũng đã yêu cầu các DN đầu mối phải đảm bảo nguồn cung, giữ được bán hàng trong hệ thống của các DN đầu mối.
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc giá xăng dầu thế giới tăng, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dù đạt được thỏa thuận với các đối tác nhưng mới đáp ứng 60% công suất sản xuất sẽ ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung xăng dầu. Đây là bài học về việc đa dạng hóa nguồn cung, ưu tiên xăng dầu sản xuất trong nước nhưng các nhà máy phải tuân thủ hợp đồng đã ký kết.
“Nghị định 95 quy định nếu không đảm bảo cung ứng được cho thị trường trong nước thì doanh nghiệp phải nhập khẩu để đảm bảo cung ứng, không thể ra thông báo không cung cấp là không cung cấp. Như thế làm sao các doanh nghiệp đầu mối lấy được từ nguồn nào khác trong một thời gian ngắn như vậy, đặc biệt còn vấn đề giá cả nữa”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc với Petrolimex ngày 7/2, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị Petrolimex đảm bảo nguồn cung. Thời gian qua, tập đoàn này cũng đã nhập khẩu thêm để đảm bảo cung ứng cho các cửa hàng thuộc hệ thống.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhắc đến việc có thời điểm các nhà máy lọc dầu trong nước ế ẩm, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã phải hạn chế nhập khẩu để ưu tiên tiêu thụ xăng dầu trong nước. Giờ đây, các nhà máy lọc dầu như Nghi Sơn cũng cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Vấn đề khó khăn là ở nội tại doanh nghiệp, tuy nhiên trách nhiệm của lọc dầu Nghi Sơn là phải đảm bảo cung cấp đủ sản lượng mặt hàng xăng dầu thành phẩm cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.