Toàn cầu: Những cuộc xung đột Địa chính trị đáng lưu tâm trong 2024

Những cuộc xung đột Địa chính trị đáng lưu tâm trong 2024

Năm 2024 bắt đầu với hàng loạt các cuộc chiến tranh bùng nổ: Gaza, Sudan và Ukraine. Trên toàn thế giới, những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh đã và đang thất bại! Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo theo đuổi mục đích quân sự của mình bởi họ tin rằng có thể thoát khỏi bạo lực bằng chính bạo lực.

Mình nghĩ bài này sẽ khá dài nên anh em có thể skip qua những cuộc xung đột không ảnh hưởng lớn, còn anh em muốn bổ sung kiến thức để chém gió trên bàn nhậu thì chịu khó đầu tư thêm thời gian đọc nhé!

Nhìn lại những cuộc xung đột trong những năm đầu thế kỷ XXI

Chiến tranh gia tăng kể từ khoảng năm 2012, sau khi suy giảm vào những năm 1990 và đầu những năm 2000. Đầu tiên là các cuộc xung đột ở Libya, Syria và Yemen, do cuộc nổi dậy của người Ả Rập năm 2011 gây ra. Sự bất ổn ở Libya tràn về phía Nam, góp phần gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài ở khu vực Sahel. Tiếp theo là một làn sóng giao tranh lớn mới: cuộc chiến tranh Azerbaijan-Armenia năm 2020 tại vùng đất Nagorno-Karabakh, giao tranh kinh hoàng ở khu vực Tigray phía bắc Ethiopia bắt đầu vài tuần sau đó, cuộc xung đột do quân đội Myanmar giành quyền lực vào năm 2021 và cuộc tấn công Ukraine năm 2022 của Nga,… Thêm vào đó là sự tàn phá của năm 2023 ở Sudan và Gaza. Trên toàn cầu, số người chết vì chiến đấu, bị buộc phải rời bỏ nhà cửa hoặc cần viện trợ cứu sống ngày càng nhiều hơn. Kỷ nguyên hòa bình của thế giới liệu sắp chấm dứt?

Trên một số chiến trường, việc xây dựng hòa bình hoặc không tồn tại hoặc chẳng đi đến đâu. Chính quyền Myanmar, các sĩ quan quân đội đã nắm quyền kiểm soát ở Sahel đang quyết tâm đè bẹp các đối thủ. Ở Sudan, có lẽ là cuộc chiến tranh tồi tệ nhất hiện này với số lượng người thiệt mạng và phải di dời, các nỗ lực ngoại giao do Mỹ và Saudi dẫn đầu đã bị xáo trộn và nửa vời trong nhiều tháng. Tổng thống Nga Vladimir Putin, lợi dụng sự hỗ trợ ngày càng giảm của phương Tây dành cho Kyiv, tìm cách buộc Ukraine đầu hàng và phi quân sự hóa – những điều kiện mà người Ukraine có thể hiểu được là khó chấp nhận. Ở tất cả những nơi này, ngoại giao có mục đích là quản lý hậu quả: đàm phán tiếp cận nhân đạo hoặc trao đổi tù nhân, hoặc đạt được các thỏa thuận như thỏa thuận đưa ngũ cốc Ukraine vào thị trường toàn cầu thông qua Biển Đen. Những nỗ lực này, tuy quan trọng, nhưng không thể thay thế cho các cuộc đàm phán chính trị.

Nơi giao tranh đã kết thúc, sự yên ắng chỉ xảy ra khi 1 bên chiến thắng hoàn toàn và không có cuộc thương lượng nhân nhượng nào. Như ở Afghanistan, Taliban nắm quyền khi quân đội Mỹ rời đi mà không thương lượng với các đối thủ Afghanistan. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2022 với các thủ lĩnh phiến quân nhằm chấm dứt chiến tranh Tigray, nhưng đó là sự củng cố chiến thắng của Abiy hơn là một thỏa thuận về tương lai của khu vực. Năm ngoái, Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, cuộc tấn công vào tháng 9 của họ đã kết thúc, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài 30 năm đối với vùng đất này đồng thời buộc người Armenia phải di cư.

Các quốc gia được khích lệ bởi chiến thắng trên sân nhà có thể không dừng lại ở đó. Các nhà ngoại giao ở khu vực Caucasus lo ngại rằng Azerbaijan, vốn đã chiếm ưu thế ở Nagorno-Karabakh, giờ đây có thể tiếp tục tìm cách thách thức biên giới của Armenia trong nỗ lực giành được sự nhượng bộ từ chính phủ nước này đối với tuyến đường quá cảnh qua miền nam đất nước. Các nhà lãnh đạo vùng Sừng châu Phi lo ngại rằng Abiy, vừa mới giành được chiến thắng ở Tigray, có thể sử dụng vũ lực để tìm kiếm một tuyến đường mới cho đất nước không giáp biển của mình đến Biển Đỏ. Xác suất xảy ra những sự kiện này dù vẫn còn thấp nhưng có thể được đẩy lên cao khi tình hình bất ổn toàn cầu tiếp tục gia tăng.

Cùng với đó, việc không xâm lược quốc gia khác vốn được xem là điều hiển nhiên và được duy trì trong nhiều thập kỷ giúp củng cố trật tự toàn cầu, nhưng hiện nay đã lung lay dữ dội do nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập thêm lãnh thổ của Ukraine. Vào năm 2024, nguy cơ các nhà lãnh đạo vượt ra ngoài việc dập tắt bất đồng chính kiến ​​​​trong nước hoặc can thiệp ra nước ngoài thông qua lực lượng ủy nhiệm để thực sự xâm lược các nước láng giềng sẽ nghiêm trọng hơn những năm trước.

Xung đột quân sự tiếp tục leo thang trên toàn cầu

Sự thay đổi khủng khiếp trong vài tháng qua giữa Israel và Palestine có lẽ là minh họa rõ ràng nhất cho xu hướng này. Những nỗ lực tạo dựng hòa bình ở đó đã thất bại từ nhiều năm trước và các nhà lãnh đạo thế giới phần lớn đã ngoảnh mặt đi. Một số chính phủ Ả Rập đã đạt được các thỏa thuận do Mỹ làm trung gian với Israel mà hầu như phớt lờ hoàn cảnh khó khăn của người Palestine. Israel chiếm nhiều đất của người Palestine hơn, với những người định cư họ hành xử tàn bạo hơn bao giờ hết, thường có sự phối hợp với quân đội Israel. Sự chiếm đóng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Hy vọng của người Palestine về việc trở thành nhà nước độc lập đã tan biến, cũng như uy tín của các nhà lãnh đạo của họ, những người đã trông cậy vào sự hợp tác với Israel. Không gì có thể biện minh cho hành động giết người hung hãn của các chiến binh Palestine vào ngày 7 tháng 10. Nhưng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine không phải chỉ mới bắt đầu vào ngày hôm đó! Giờ đây, cuộc tấn công do Hamas lãnh đạo và sự trả thù của Israel ở Gaza – một cuộc tấn công đã san bằng phần lớn dải đất nhỏ bé và có thể quét sạch toàn bộ dân cư ở đây – đã xóa tan hy vọng hòa bình cho một thế hệ.

=> Vấn đề chủ yếu không nằm ở hoạt động hòa giải. Đúng hơn, nó nằm ở chính trị toàn cầu. Trong một thời điểm thay đổi liên tục, những hạn chế trong việc sử dụng vũ lực đang sụp đổ.

Sự sụp đổ trong mối quan hệ của phương Tây với Nga và sự cạnh tranh Trung-Mỹ là nguyên nhân chính. Ngay cả trong những cuộc khủng hoảng mà họ không trực tiếp tham gia, các cường quốc vẫn nhúng tay vào qua con đường ngoại giaoo.

Sự suy yếu về sức mạnh của Mỹ

Sự không chắc chắn về sức mạnh Mỹ cũng góp phần vào tình trạng hỗn loạn của thế giới. Quyền lực của Mỹ không “rơi tự do”, sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ so với các cường quốc khác không nhất thiết báo trước tình trạng hỗn loạn. Sẽ là sai lầm nếu phóng đại quá mức ảnh hưởng mà Mỹ từng có với tư cách là bá chủ. Hai năm qua đưa ra nhiều bằng chứng về sức ảnh hưởng của Mỹ - cả về mặt tốt trong việc giúp Ukraine tự vệ và mặt xấu trong việc cho phép Israel hủy diệt Gaza. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ thường xuyên rối loạn chức năng chính trị, điều này gây ra sự bất ổn cho vai trò toàn cầu của nước này. Một cuộc bỏ phiếu có khả năng gây chia rẽ vào năm 2024 và khả năng trở lại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vốn ưa thích những kẻ mạnh và coi thường các đồng minh truyền thống đã khiến phần lớn châu Âu và châu Á lo lắng, tạo nên một năm đặc biệt khó chịu phía trước!

Các bên tham chiến hiện nay có nhiều nơi hơn để tìm kiếm sự ủng hộ chính trị, nguồn vốn và vũ khí. Do đó ta phải tính đến không chỉ những kẻ đang chiến đấu trên thực địa mà còn cả những nhà tài trợ bên ngoài- những kẻ nhìn các cuộc xung đột tại một khu vực chỉ là một nước đi trên bàn cờ lớn!

Nguy cơ “hỏa hoạn” lây lan trên diện rộng cũng làm các cường quốc không cần phải gây chiến trực tiếp với nhau. Tuy nhiên ngày càng có nhiều xung đột và căng thẳng gia tăng dọc theo các đường đứt gãy nguy hiểm nhất thế giới, trong số đó có Ukraine, Biển Đỏ, Đài Loan và Biển Đông. Do đó cái giá phải trả gần như không thể tính toán được khi một cuộc đụng độ liên quan đến Mỹ và Trung Quốc hoặc Nga xảy ra.

1. Xung đột Israel- Hamas tại dãi Gaza

Cuộc tấn công do Hamas khởi động vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 và việc Israel tấn công Gaza sau đó nhằm đáp trả đã đưa cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ sang một chương mới- khủng khiếp hơn. Gần ba tháng trôi qua, ngày càng rõ ràng rằng các hoạt động quân sự của Israel sẽ không kết liễu được Hamas- nói cách khác, Israel gần như phải dùng đến vũ khí hạt nhân để chấm dứt cuộc chiến này (nhưng mình tin là sẽ không bao giờ dùng đến giải pháp cực đoan này).

Cơn ác mộng kinh hoang diễn ra vào ngày 7 tháng 10, chứng kiến ​​các chiến binh Hamas thảm sát hơn 1.100 người, chủ yếu là dân thường Israel và bắt giữ hơn 200 con tin. Sự kinh hoàng bao trùm khiến người Israel bị sốc nặng, cảm giác luôn được an toàn của họ vỡ vụn. => Phần lớn người Israel đồng ý với Netanyahu rằng họ không thể sống bên cạnh Hamas, nói rộng hơn là người Palestine. Nhưng họ càng không thê rời xa vùng đất linh thánh của dân tộc mình, vậy chỉ còn cách xóa sổ Hamas!

Chiến dịch của Israel tại Gaza, vùng đất ven biển đông dân cư do Hamas cai trị và bị Israel và Ai Cập phong tỏa trong 16 năm, bắt đầu ngay sau vụ tấn công ngày 7/10. Israel đã bao vây dải đất này trong nhiều tuần trước khi cho phép viện trợ hạn chế vào. Các cuộc bắn phá dữ dội và kêu gọi người dân ở phía bắc vùng đất này, bao gồm cả Thành phố Gaza, sơ tán về phía nam, mở đường cho các hoạt động trên bộ chứng kiến ​​quân đội bao vây, sau đó di chuyển vào Thành phố Gaza. Vào cuối tháng 11, một lệnh ngừng bắn ngắn diễn ra, do Qatar làm trung gian với sự hỗ trợ của Mỹ và Ai Cập, đã chứng kiến ​​Hamas trả tự do cho 105 con tin và Israel thả 240 người Palestine bị giam trong các nhà tù của họ. Sau đó, vào ngày 1 tháng 12, cuộc tấn công lại tiếp tục, với các hoạt động trên bộ ở phía nam Gaza. Ném bom và giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra khắp dải đất nhỏ bé này.

Các hoạt động của Israel có sức tàn phá khủng khiếp, san bằng phần lớn dải đất; giết hại hơn 20.000 người Palestine ; xóa sạch nhiều thế hệ gia đình; và để lại vô số trẻ em chết, tàn tật hoặc mồ côi. Israel đã thả hàng tấn bom xuống các khu vực đông đúc. Các báo cáo cho thấy sự tàn phá có tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử xung đột Israel- Palestine.

Theo Liên Hợp Quốc , hơn 85% trong số 2,3 triệu cư dân của Gaza đã rời bỏ nhà cửa, đồng thời cảnh báo về tình trạng trật tự công cộng sụp đổ, nạn đói và bệnh truyền nhiễm mà các cơ quan viện trợ cho rằng có thể sớm cướp đi nhiều sinh mạng hơn là các hoạt động quân sự. Nhiều người Palestine, một số đã phải di dời nhiều lần, đã chạy trốn xa hơn về phía nam đến các trại tạm bợ dọc biên giới Ai Cập.

Siết chặt Bờ Tây

Israel cũng đã phong tỏa Bờ Tây bị chiếm đóng, tăng tốc độ và tính quyết liệt của các hoạt động an ninh ở đó để trả đũa vụ tấn công vào tháng 10 và ngăn chặn các cuộc tấn công của người Palestine. Những người định cư Israel (được chính phủ của Netanyahu hậu thuẫn và trang bị vũ khí, trong đó có một số bộ trưởng cũng là người định cư) đang leo thang bạo lực nhằm chống lại người Palestine, buộc cư dân Palestine phải rời bỏ khu vực mình đang sống.

Chính phủ Mỹ đã tỏ ra ủng hộ Israel gần như vô điều kiện. Biden đã từ chối kêu gọi ngừng bắn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các quan chức Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi về chi phí và thời gian của chiến dịch một cách thẳng thắn. Trong khi hầu hết cả thế giới coi Washington là kẻ đồng lõa trong sự tàn phá dải đất nhỏ bé này.

Ông Netanyahu đã tuyên bố Israel sẽ giữ quyền kiểm soát an ninh đối với Gaza. Bác bỏ ý kiến ​​mà Washington khuyến khích rằng Chính quyền Palestine (P.A) (cơ quan quản lý một số khu vực Bờ Tây và do Fatah, đối thủ chính của Hamas) có thể đóng một vai trò trong việc quản lý Gaza sau chiến tranh. Ông khẳng định Israel sẽ chiến đấu cho đến khi loại bỏ được Hamas. Chiến dịch quân sự, như Netanyahu nói sẽ giúp đảm bảo việc thả con tin.

Cuộc chiến không hồi kết!

Trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy Israel có thể xóa sổ Hamas. Ngay cả việc tiêu diệt các đơn vị Hamas cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Và bất kể điều gì xảy ra, phong trào chính trị và xã hội của người Paslestine sẽ lại được tái sinh, phản kháng vũ trang sẽ tiếp tục dưới một hình thức nào đó mặc cho sự chiếm đóng và kiểm soát của quân đội Israel. Khi một chiến binh Hamas nằm xuống, thì ngay sau đó, anh trai, em trai, con trai và bố của họ sẽ cầm súng đứng lên và tiếp tục trở thành một chiến binh thánh chiến! Lực lượng Israel tuyên bố đã phá hủy cơ sở hạ tầng của phiến quân, bao gồm nhiều đường hầm dưới lòng đất ở Gaza, và có lẽ đã giết chết 8.000 chiến binh Hamas và bắt giữ hàng nghìn người khác. Nếu chính xác thì con số đó đại diện chon chưa đến một nửa cánh vũ trang của nhóm. Tại thành phố Gaza, hiện được cho là nằm dưới sự kiểm soát của Israel, các cuộc phục kích của phiến quân vẫn tiếp tục, cho thấy Hamas vẫn đang hoạt động.

Viết tới đây tôi lại nhớ tới câu nói “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” của cụ Nguyễn Trung Trực. Cá nhân tôi không nghiêng về phe nào trong cuộc chiến này cả, tuy nhiên trích dẫn câu nói trên để cho bạn đọc dễ hiểu, hiểu thế nào là tinh thần của những kẻ sẵn sàng nằm xuống vì lý tưởng của mình!

Washington khuyến khích Israel cải thiện việc bảo vệ dân thường sẽ mang lại một chiến dịch quân sự được ủng hộ hơn bởi quốc tế. Nhưng Gaza quá nhỏ trong khi Hamas lại hòa trộn với dân thường. Những hành động tàn bạo mà người Israel phải gánh chịu vào ngày 7 tháng 10 không thể biện minh cho sự tàn phá gây ra trên dải đất Gaza và xã hội của nó – lấy oán báo oán, lấy bạo lực dữ dội hơn để đáp trả bạo lực. Rõ ràng đây là một cuộc chiến KHÔNG hồi kết!

Giải pháp tình thế

Cần có một thỏa thuận ngừng bắn tiếp theo, dẫn đến một cuộc đàm phán giữa 2 bên về việc thả tất cả con tin. Các thỏa thuận tạm thời cho Gaza, vốn vẫn khó đàm phán hơn, có thể sẽ khiến quân đội Israel rút lui, lệnh phong tỏa được nới lỏng và các cường quốc bên ngoài đảm bảo một lệnh ngừng bắn kéo dài. Khả năng cao là Hamas sẽ từ bỏ bất kỳ vai trò nào trong chính phủ để chuyển giao cho một số hình thức quyền lực tạm thời cho Chính quyền Palestine (P.A) sau đó các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến binh Hamas phải rời khỏi Gaza,… Có vẻ như là điều không thể đối với những chiến binh thánh chiến.

Lý tưởng nhất là các điều khoản tạm thời dành cho dải đất này sẽ mở đường cho những nỗ lực mới nhằm khôi phục một số đường lối chính trị rộng lớn hơn giữa người Israel và người Palestine, mặc dù những trở ngại là rất lớn. Hiện nay có nhiều người Israel đồng ý với quan điểm từ lâu của Netanyahu là không nên tồn tại một nhà nước Palestine. Trong khi các nhà lãnh đạo P.A bị người Palestine chê bai là thiếu trách nhiệm và tham nhũng.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, nhiều khả năng vẫn còn xảy ra các hoạt động giao tranh kéo dài, sau đó là một số chiến dịch rải rác, ít khốc liệt hơn tuy nhiên vẫn khiến Gaza nằm trong tình trạng lấp lửng. Sự chiếm đóng quân sự kéo dài dường như có thể xảy ra. Lực lượng Israel sẽ trấn giữ các khu vực dải đất, tiếp tục các cuộc tấn công, trong khi người Palestine tập trung vào những khu vực hoặc trại an toàn ngày càng nhỏ hơn, được các cơ quan nhân đạo duy trì ở mức độ có thể.

2. Chiến tranh Trung Đông mở rộng

Cả Iran và các đồng minh phi nhà nước cũng như Hoa Kỳ và Israel đều không muốn một cuộc đối đầu trong khu vực, nhưng có rất nhiều cách mà cuộc chiến Israel-Hamas có thể gây ra một cuộc đối đầu trên diện rộng.

Iran và Trục kháng chiến

Ở một khía cạnh nào đó, cuộc chiến này có dấu tay của Iran- kẻ đứng sau cái gọi là Trục kháng chiến, một tập hợp các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn- Hezbollah ở Lebanon, nhiều lực lượng dân quân khác nhau ở Iraq và Syria, Houthis ở Yemen (hiện tại đám này đang quậy nước tung tóe ở Biển Đỏ khiến Mỹ và đồng minh phải điều tàu chiến đến, anh em có đánh theo drama này thì chắc biết!), cộng với các nhóm chiến binh Palestine Hamas và Thánh chiến Hồi giáo trên toàn thế giới. Các nhóm này đang tăng cường hoạt động theo cách cho thấy chúng có thể hành động một cách đồng bộ.


Bản đồ các lực lượng Trục kháng chiến của Iran

Nhưng có lẽ chiến tranh đã xảy ra vào thời điểm tồi tệ đối với Tehran. Mối quan hệ của họ với Washington đã dịu đi sau một thời gian dài căng thẳng, nay lại tiếp tục căng thẳng. Vào tháng 8, Hoa Kỳ và Iran đã trao đổi số một số con tin với Iran, song song với một thỏa thuận ngầm đòi hỏi Tehran phải ngăn cản lực lượng dân quân Iraq và Syria nhắm mục tiêu vào lực lượng Hoa Kỳ, làm chậm quá trình phát triển hạt nhân và hợp tác tốt hơn với các thanh sát viên, được cho là để đổi lấy việc chính phủ Mỹ nới lỏng việc thực thi các biện pháp trừng phạt. các biện pháp trừng phạt nhằm giúp đỡ nền kinh tế đang bị tàn phá của Iran. Sự sắp xếp đó giờ đây đã tan vỡ khi Tehran cho thấy mình đang là kẻ ủng hộ sự phẫn nộ của người Ả Rập đối với chiến dịch quân sự của Israel.

Cuộc chiến ở Gaza cũng khiến Iran bị ràng buộc. Tehran không muốn Gaza liên lụy Hezbollah, một đồng minh mà họ coi là trung tâm của cái mà họ gọi là “lá chắn phía Bắc” - ngăn chặn một cuộc tấn công vào chính Cộng hòa Hồi giáo của họ từ Israel hoặc Hoa Kỳ. Tehran được cho là rất tức giận khi Hamas phát động cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 đúng lúc như vậy. Ngược lại, Hamas tỏ ra thất vọng vì Iran không giúp đỡ nhiều hơn.

Điểm nóng nguy hiểm nhất là biên giới Israel-Lebanon. Kể từ ngày 7 tháng 10, Hezbollah và Israel đã bắn tên lửa qua khu vực kiểm soát của nhau với tần suất ngày càng tăng.

Sự căng thẳng đó có thể tự diễn ra! Các nhà lãnh đạo Israel cho rằng sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, Israel không thể mạo hiểm lơ là phòng thủ trước một lực lượng chiến binh thù địch – đặc biệt là một lực lượng mạnh hơn nhiều so với Hamas, với kho dự trữ ước tính khoảng 150.000 tên lửa – rất gần biên giới phía bắc của nước này. Hơn 100.000 cư dân miền bắc Israel đã buộc phải sơ tán vô thời hạn nhắm tránh xa vùng kiểm soát của Hezbollah.

Ở những nơi khác, các nhóm được Iran hậu thuẫn đã giao tranh với lực lượng Mỹ. Tại Syria và Iraq, lực lượng dân quân đã liên tục tấn công các căn cứ và cơ sở ngoại giao của Mỹ, dẫn đến các cuộc phản công của Mỹ…

Biển Đỏ dậy sóng

Sau đó là người Houthis- lực lượng được Iran tài trợ còn nhiều hơn so với Hezbollah, các chiến binh Yemen này đã phóng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel cũng như tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ, lấy lý do Israel tấn công Gaza là động cơ của họ. Vào giữa tháng 12, các cuộc tấn công vào hai con tàu gần eo biển Bab el-Mandeb, nối Biển Đỏ với Vịnh Aden, đã khiến hãng vận tải khổng lồ Maersk và các công ty khác phải tạm dừng hoạt động vận chuyển tàu của họ. Vào cuối tháng 12, việc thành lập lực lượng hải quân của Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác để bảo vệ giao thông hàng hải dường như đã mở lại được một phần tuyến đường này. Tại một thời điểm nào đó, Israel, Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của họ có thể mất kiên nhẫn, tấn công không chỉ Houthi mà còn cả các mục tiêu của Iran - một tàu gián điệp của Iran được cho là đang chuyển thông tin tình báo sẽ là một điều hiển nhiên - điều này cũng sẽ khiến mọi việc trở nên căng thẳng hơn.

Cớ mới- nhưng căng thẳng cũ!

Đồng thời, Iran đang tiến gần hơn tới khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Nước này có thể làm giàu đủ uranium để sản xuất kho vũ khí gồm 4 đầu đạn trong vòng một tháng. Việc quay trở lại một thỏa thuận như thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ khó khăn, do những tiến bộ về hạt nhân của Iran kể từ đó.

Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ coi việc nhân nhượng với Tehran sẽ mang lại hậu quả khôn lường, việc Iran tiến tới ngưỡng hạt nhân sẽ khiến Washington chỉ có những lựa chọn khó chịu: Chấp nhận một đối thủ cực kỳ ngoan cố và khó chịu, cũng đồng thời phát tín hiệu cho những kẻ ngoan cố khác tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân- như anh Ủn của Triều Tiên :slight_smile: hoặc cố gắng can thiệp bằng vũ lực với những kẻ này. Cả 2 lựa chọn đều góp phần tiếp tục đẩy thế giới vào hỗn loạn!

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên diện rộng!

Mặc dù không bên nào muốn chiến tranh trên diện rộng nổ ra nhưng chúng ta không thể nói trước được điều gì, đặc biệt là khi chiến dịch Gaza của Israel vẫn đang tiếp diễn. Bất kỳ cuộc tấn công nào – dù ở biên giới Lebanon, ở Iraq hay Syria, Biển Đỏ hay Vịnh Ba Tư – giết chết một số lượng lớn dân thường hoặc nhân viên Mỹ sẽ có nguy cơ gây ra một loạt các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng.

Nếu Israel hành động chống lại Hezbollah, một cuộc chiến như năm 2006 gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc đối đầu rộng hơn do Iran đang tăng cường hoạt động trong khu vực, và cuối cùng là sự tham gia trực tiếp của Mỹ.

3. Chiến tranh Ukraine

Những gì diễn ra trên chiến trường Ukraine sẽ quyết định an ninh tương lai của châu Âu.

Mặt trận 600 dặm hầu như không di chuyển. Cuộc phản công của Ukraine đã yếu dần, quân đội của họ chiếm được rất ít đất, chưa nói đến việc chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga ở phía nam. Các tướng Ukraine lo ngại một cuộc tấn công của Nga ở phía đông hoặc phía bắc, mặc dù nỗ lực của Nga vào cuối năm 2023 nhằm chiếm thành phố Avdiivka ở phía đông đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt, cho thấy bất kỳ bước tiến nào của Nga sắp tới sẽ vô cùng khó khăn, miễn là Ukraine có đủ vũ khí.


Bản đồ các khu vực chiến sự ở Ukraine (cập nhật tháng 12/2023)

Nga đang trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh, mở rộng quân đội và chi tiêu ồ ạt vào vũ khí. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow đã xuất khẩu đủ, nhờ lợi nhuận từ năng lượng bất ngờ, để giữ cho kho vũ khí phục vụ chiến tranh luôn đầy ắp trong khi nguyên liệu nhập khẩu đủ để duy trì các nhà máy vũ khí hoạt động suốt ngày đêm.

Chiến tranh là cốt lõi trong câu chuyện mới của Nga, bắt nguồn từ cái gọi là giá trị truyền thống, tôn vinh chiến đấu như một mục tiêu theo đuổi của nam giới. Hơn một phần ba ngân sách nhà nước dành cho quốc phòng và hàng nghìn người Nga thiệt mạng hàng tháng ở Ukraine. Tuy nhiên, nhungwx nước đi của Putin đã cho thấy sự hiệu quả.

Ukraina đang phải đối mặt với mùa đông ảm đạm. Đạn dược đang cạn kiệt cùng với nguồn nhân lực. Sự bất hòa giữa quan chức Ukraine và phương Tây ngày càng lộ rõ.

Điều đáng lo ngại nhất đối với Kiev là sự thiếu ủng hộ của phương Tây. Kể từ khi cuộc tấn công toàn diện của Nga bắt đầu vào đầu năm 2022, vũ khí của Mỹ đã đóng vai trò then chốt trong việc phòng thủ Ukraine. Bất chấp sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ, một cuộc họp kín gồm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang ngăn chặn một gói viện trợ lớn cho Kyiv cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 diễn ra. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, đã chỉ trích viện trợ cho Ukraine.

Chính quyền Biden có thể vẫn chưa đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa, và ngay cả khi không, họ vẫn có các lựa chọn để cung cấp vũ khí cho Ukraine mà không cần Quốc hội. Nhưng làm như vậy sẽ khó khăn hơn khi cuộc bầu cử sắp đến gần. Châu Âu, trái với những lời ủng hộ hùng hồn của mình, đã hành động chậm chạp trong việc tăng cường nguồn cung, đặc biệt là đạn dược hỗ trợ Ukraine. Chính trị cũng là một vấn đề ở đó. Thủ tướng Hungary Viktor Orban phản đối viện trợ cho Kyiv, một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào đầu tháng 2 năm 2024, mặc dù vào đầu tháng 12, ông đã thể hiện sự “ủng hộ” - bằng cách rời khỏi phòng bỏ phiếu :slight_smile: . Tuy nhiên Liên minh Châu u bắt đầu xem xét các cuộc đàm phán gia nhập liên mình của Ukraine- nhưng triển vọng nhìn chung vẫn chưa rõ ràng.

Đàm phán không khả quan!

Có rất ít dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán với Điện Kremlin sẽ mang lại lối thoát khi không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp. Mục tiêu của Nga vẫn giống như khi phát động cuộc chiến tổng lực: họ không chỉ muốn lãnh thổ mà còn muốn Ukraine đầu hàng và phi quân sự hóa dưới một chính phủ phục tùng. Ngoài ra, Nga còn đang chờ xem liệu Trump có chiến thắng hay không. Với lợi thế hiện tại, Putin khó có thể chấp nhận những gì mình đang có! Về phần các nhà lãnh đạo Ukraine, họ quyết tâm chiến đấu dù có hoặc không có sự hỗ trợ của Mỹ. Kiev và các đồng minh phương Tây không cần phải chấp nhận một cuộc mặc cả trừ khi điều đó mang lại cho Ukraine một tương lai khả thi và buộc Nga phải tham gia các thỏa thuận an ninh.

Vấn đề sống còn đối với châu Âu

Mặc dù một số quan chức Mỹ lo lắng về chi phí viện trợ, nhưng ít nhất việc giúp Ukraine giữ vững phòng tuyến là điều họ phải đồng thuận.

Ở châu Âu, nhiều nhà lãnh đạo coi kết cục của cuộc chiến này là vấn đề sống còn, phải gánh vác nhiều gánh nặng hơn, bất kể điều gì xảy ra ở Washington trong cuộc bầu cử sắp tới. Vì nếu Moscow tiếp tục chinh phục được nhiều lãnh thổ Ukraine hơn, sẽ không quá khi tưởng tượng rằng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác sẽ nằm trong danh sách của Putin!

10 Likes

4. Nội chiến Myanmar

Một cuộc tấn công của phe nổi dậy nhằm đánh bật quân đội khỏi các vùng phía đông bắc Myanmar và chiến đấu ở những nơi khác gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền quân đội đã nắm quyền lực gần ba năm trước.

Trong suốt năm 2023, các lực lượng kháng chiến- các lực lượng dân quân khác nhau phát triển từ các cuộc biểu tình sau cuộc đảo chính bị chính quyền đàn áp, đã tiến hành cuộc chiến tranh du kích trên khắp đất nước Myanmar. Quân đội Myanmar đã sử dụng các cuộc không kích, pháo binh và các đơn vị cơ động để trấn áp cuộc nổi dậy và cả dân thường. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, bạo lực đã trở lại và nhấn chìm Myanmar.

Khu vực kiểm soát của quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân

Về phần mình, các nhóm vũ trang sắc tộc đã phản ứng theo những cách khác nhau trước cuộc đảo chính. Một số đơn vị kháng chiến đã huấn luyện, cung cấp vũ khí cho họ và che chở cho các thủ lĩnh của họ. Một số đã xây dựng liên minh chặt chẽ hơn với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), một cơ quan đối lập bao gồm hầu hết các nhà lập pháp bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội trước đó, trong đó có nhiều người thuộc đảng của nhà lãnh đạo dân sự bị phế truất Aung San Suu Kyi, người mà quân đội đã bỏ tù.

Bà Aung San Suu Kyi

Cuộc tấn công phía đông bắc đã làm rung chuyển mọi thứ. Một liên minh tồn tại từ trước gồm ba nhóm vũ trang sắc tộc, Liên minh Ba Anh em, cùng với một số lực lượng kháng chiến, đã chiếm giữ một số thị trấn, chiếm giữ nhiều vị trí quân sự, cướp xe tăng và vũ khí hạng nặng, đồng thời cắt đứt các tuyến đường thương mại quan trọng đến Trung Quốc. Cảm nhận được sự hỗn loạn của quân đội, phiến quân sắc tộc ở những nơi khác, thường hợp lực với hoặc thậm chí dưới ngọn cờ của các nhóm kháng chiến, tiến hành tấn công, chiếm các thị trấn, một phần thủ phủ của bang và các đồn biên phòng ở nhiều khu vực khác nhau của đất nước.

Trung Quốc là một phần của câu chuyện. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn lo ngại về việc giành quyền lực của quân đội Myanmar vào năm 2021. Sự hỗn loạn sau đó đã khiến các dự án lớn theo kế hoạch của Trung Quốc ở Myanmar phải dừng lại. Tập thích Aung San Suu Kyi, người đã thiết lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Bắc Kinh. Ông không tin tưởng vào quân đội Myanmar, đặc biệt là thủ lĩnh cuộc đảo chính Min Aung Hlaing, người có tinh thần chống Trung Quốc đặc biệt mạnh mẽ, do Bắc Kinh hỗ trợ cho các nhóm vũ trang dân tộc ở phía đông bắc Myanmar.

Cuộc đảo chính đã khiến đất nước quay trở lại hàng thập kỷ trước: Hệ thống y tế và giáo dục sụp đổ, tỷ lệ nghèo đói tăng vọt và đồng tiền sụt giá. Hơn 2,5 triệu người phải di tản trong nước (ngoài hàng trăm nghìn người Rohingya bị quân đội trục xuất vào năm 2017). Khó để cuộc khủng hoảng kết thúc sớm.

5. Xung đột vùng Sahel

Năm 2023, quân đội Niger lật đổ Mohamed Bazoum, một tổng thống theo chủ nghĩa cải cách thân thiện với phương Tây, củng cố sự thống trị của quân đội trên khắp khu vực Sahel- sau các cuộc đảo chính ở Mali và Burkina Faso. Các quan chức nắm quyền đã hứa sẽ hạn chế bạo lực đang tàn phá vùng nông thôn, nhưng ngoài việc chuyển đổi đối tác nước ngoài và mua vũ khí mới, họ còn đưa ra một số ý tưởng mới đó là tăng gấp đôi các cuộc tấn công đã thất bại trong nhiều năm.

Bản đồ những cuộc xung đột ở vùng Sahel

Làn sóng đảo chính báo trước một chương mới trong cuộc khủng hoảng ít nhất đã có từ năm 2012. Khi đó, phiến quân Tuareg bán du mục, cùng với các chiến binh thánh chiến có liên hệ với al Qaeda, đã chiếm giữ miền bắc Mali. Các chiến binh thánh chiến sau đó đã gạt bỏ các đối tác cũ của mình, trấn giữ miền Bắc trong suốt một năm trước khi bị lực lượng do Pháp dẫn đầu đẩy lùi. Năm 2015, một số nhóm vũ trang từ miền bắc Mali, bao gồm cả phiến quân và các phần tử ủng hộ chính phủ, đã ký một thỏa thuận hòa bình với Bamako. Thỏa thuận đó báo trước việc phân chia quyền lực, phát triển miền bắc và đưa một số nhóm vũ trang vào quân đội.

Kể từ đó, sự lôi kéo của Bamako và tranh chấp giữa các bên ký kết đã cản trở nỗ lực đưa thỏa thuận vào thực tế. Trong khi đó, các chiến binh thánh chiến, những người không ký thỏa thuận, đã tràn ngập các vùng đất rộng lớn ở miền trung Mali và phần lớn Burkina Faso, thậm chí còn mở rộng phạm vi hoạt động của chúng đến các góc phía bắc của vùng ven biển Tây Phi. Quân đội Sahelian, lực lượng chống nổi dậy của Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc không thể ngăn cản bước tiến của họ. Lực lượng dân quân địa phương, trong một số trường hợp được chính quyền khu vực vũ trang, đã sinh sôi nảy nở, chiến đấu với các chiến binh thánh chiến và gây ra bạo lực tăng vọt.

=> Sự bực tức của người dân về tình trạng bất an đã phần nào thúc đẩy các cuộc đảo chính và sự ủng hộ dành cho các nhà lãnh đạo chính quyền.

Năm 2020 và 2021, một nhóm quân nhân do Assimi Goita lãnh đạo đã tổ chức các cuộc đảo chính liên tiếp ở Mali, củng cố quyền lực. Tiếp theo là đảo chính ở Burkina Faso, gây ra bởi sự tức giận về các vụ thảm sát binh lính của thánh chiến, và sau đó là Niger.

Sự cai trị của quân đội đã thay đổi đáng kể quan hệ đối ngoại của khu vực. Mối quan hệ của ba nước với một số thủ đô Tây Phi khác đang căng thẳng. Paris rút quân trong bối cảnh tình cảm chống Pháp ngày càng gia tăng. Chính quyền Mali đã xích lại gần Nga hơn, đặc biệt là Nhóm lính đánh thuê Wagner và trục xuất lực lượng Liên hợp quốc. Ở Burkina Faso, dấu chân của người Nga nhỏ hơn nhưng có vẻ sẽ tăng lên và có thể đòi hỏi sự bảo vệ cá nhân của các nhà lãnh đạo quân sự.

Các chính quyền đã thành lập liên minh riêng của họ với hy vọng ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài. (Khối khu vực, ECOWAS, đe dọa triển khai quân tới Niger để khôi phục Bazoum, mặc dù nỗ lực này không thành hiện thực và gần như chắc chắn sẽ phản tác dụng.) Họ dường như không có xu hướng nhường chỗ cho dân thường. Ở Mali, chính Goita có thể ra tranh cử; chính quyền Burkinabé thận trọng khi nào các cuộc bầu cử sẽ diễn ra; Chính quyền Niger chỉ đưa ra các kế hoạch chuyển tiếp mơ hồ, mặc dù điều đó cũng có thể phản ánh sự bất hòa nội bộ.

Trong giới trẻ ở các thành phố và thị trấn, các nhà lãnh đạo quân đội vẫn được ưa chuộng nhờ vào tài hùng biện về chủ quyền, điều này khơi dậy sự phẫn nộ kéo dài đối với Pháp.

Các kịch bản xấu nhất mà một số quan chức châu Âu cho rằng việc rút quân của họ có thể báo trước – sự sụp đổ của nhà nước, các cuộc tuần hành thánh chiến ở Bamako hoặc Ouagadougou – cũng không xảy ra.

Nhưng các nhà chức trách mới đang sử dụng cách tiếp cận ưu tiên quân sự, tương tự như những gì đã có trước đây ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, giờ đây thậm chí còn có nhiều thường dân hơn bị xử bắn. Lực lượng Wagner có liên quan đến các vụ lạm dụng đặc biệt tàn bạo ở Mali. Chính quyền Burkinabé đã tăng cường trang bị vũ khí hoặc tổ chức các lực lượng không chính quy, và họ, quân đội và các chiến binh thánh chiến được cho là đã gây ra các vụ giết người hàng loạt. Thêm vào đó, nếu việc chiến đấu với người Hồi giáo vẫn chưa đủ thì các nhà lãnh đạo Mali đã chọn một cuộc chiến khác với một số bên ký kết thỏa thuận hòa bình năm 2015. Cuối năm 2023, quân đội tiến vào Kidal, trụ sở của phiến quân Tuareg (mặc dù nhiều người Tuareg cũng đã gia nhập các nhóm ủng hộ chính phủ và thánh chiến cũng như phe ly khai), chiến đấu với quân nổi dậy đang hành quân và chiếm đóng các căn cứ mới bỏ trống của Liên hợp quốc.

Cuối cùng, bất cứ ai nắm giữ quyền lực ở Sahel sẽ phải làm nhiều việc hơn là chỉ chiến đấu.

Bamako nên sử dụng lợi ích thu được ở Kidal để đạt được thỏa thuận mới với quân nổi dậy. Ngay cả với các chiến binh thánh chiến, bất chấp quyết tâm áp đặt luật Hồi giáo nghiêm khắc, các lệnh ngừng bắn ở địa phương đã làm dịu đi bạo lực trong quá khứ và các cuộc đàm phán vẫn đáng để thử. Các cuộc tấn công có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng hòa bình theo thời gian phụ thuộc vào đối thoại và thỏa thuận.

6. Xung đột Armenia-Azerbaijan

Năm ngoái, cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh đã khiến gần như tất cả những người sống ở đó phải di tản - hơn 100.000 người. Câu hỏi năm nay là liệu Azerbaijan sẽ tiến xa hơn hay với các cuộc đàm phán vào cuối năm 2023 dường như mang lại một số tiến bộ, nước này và Armenia cuối cùng sẽ tìm ra con đường dẫn đến hòa bình.

Chiến dịch Nagorno-Karabakh của Azerbaijan dường như đã kết thúc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về vùng đất tranh chấp. Vào những năm 1990, cộng đồng người Armenia chiếm đa số trong khu vực, được Armenia hậu thuẫn, đã tuyên bố thành lập nước cộng hòa của riêng họ, và trong cuộc chiến sau đó đã trục xuất người Azerbaijan khỏi Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận. Trong nhiều năm, các cuộc đàm phán giữa Baku và Yerevan không đi đến đâu. Trong khi đó, Azerbaijan đã xây dựng quân đội của mình và vào năm 2020, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chiếm lại các quận xung quanh Nagorno-Karabakh và một phần của chính vùng đất này. Sau sáu tuần giao tranh tàn khốc, Nga đã đứng ra hòa giải một thỏa thuận ngừng bắn và cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến.

Nhưng với việc Moscow sa lầy ở Ukraine, Baku dường như đã cảm nhận được rằng họ có thể hoàn thành công việc.

Trong suốt năm 2022, Baku đã chiếm giữ một số khu vực chiến lược, bao gồm cả dọc theo tiền tuyến. Sau đó, trong hơn chín tháng, đã phong tỏa hành lang Lachin, nơi giúp Nagorno-Karabakh tiếp cận Armenia và thế giới bên ngoài. Vào tháng 9, quân đội của họ tràn vào vùng đất này và chiếm lại nó chỉ trong một ngày khiến người dân tộc Armenia bỏ nhà cửa.

Nếu Nagorno-Karabakh là điểm tranh chấp lớn nhất giữa Armenia và Azerbaijan cũng có nghĩa đó không phải là điểm duy nhất. Hai nước tranh chấp về đường biên giới chưa được phân định, nơi quân đội của họ đối đầu, thường chỉ cách nhau vài mét. Giữa lúc chiến tranh năm 2020 kết thúc và cuộc tấn công vào tháng 9 của Azerbaijan, các cuộc đụng độ ở biên giới còn nguy hiểm hơn những cuộc đụng độ liên quan đến chính Karabakh.

Bản đồ cuộc xung đột Azerbaijan- Armenia

Quan trọng hơn, Azerbaijan muốn có một hành lang trên bộ tới Nakhchivan, một vùng lãnh thổ của Azerbaijan ở phía tây nam Armenia giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Baku tin rằng thỏa thuận do Moscow làm trung gian chấm dứt giao tranh năm 2020 đã cho phép Yerevan đi qua hành lang. Tuyến đường đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sẽ bỏ qua Iran - do đó bị Tehran phản đối, nó cũng có thể giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Ngay trong tháng 9 năm 2022, quân đội Azerbaijan đã tiến vào Armenia, một số ở sâu bên trong. Một số vị trí mới của Azerbaijan nhìn ra một hẻm núi có con đường đi qua vùng đất tách rời.

Các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan có cơ hội. Một thỏa thuận tháng 12, được đàm phán mà không có sự hiện diện của bên thứ ba, dẫn đến trao đổi tù nhân chiến tranh, cam kết bình thường hóa quan hệ và bao gồm sự ủng hộ của Armenia trong nỗ lực của Azerbaijan đăng cai hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thế giới, COP29, vào năm 2024. Baku và Yerevan cho biết họ sẽ tiếp tục đàm phán và mong đợi một thỏa thuận sớm, mặc dù vẫn còn những câu hỏi hóc búa về biên giới và hành lang.

Nếu các cuộc đàm phán không có kết quả, Baku có thể mất kiên nhẫn, như đã từng xảy ra với Nagorno-Karabakh. Rất có thể là nó đang tìm cách gây áp lực với Yerevan; việc xâm nhập nhiều hơn vào khu vực biên giới không phải là điều không thể xảy ra. Một cuộc chiếm đất- chẳng hạn như chiếm giữ tuyến đường trung chuyển, sẽ cắt đứt hàng trăm nghìn người ở mũi phía nam của Armenia khỏi phần còn lại của đất nước - sẽ gây ra sự phẫn nộ từ các quốc gia phương Tây, Iran và Nga. Đó sẽ là một bước đi trắng trợn hơn nhiều so với việc trục xuất người Armenia khỏi Nagorno-Karabakh. Đặc biệt khó có thể tưởng tượng điều đó lại xảy ra vào một năm mà Baku có thể đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu. Do đó, các quan chức Azerbaijan khẳng định họ không có ý đồ gì trên đất Armenia và thậm chí còn đề xuất một tuyến đường quá cảnh thay thế qua Iran.

Nhưng dù ý tưởng về một cuộc tấn công có xác suất thấp đến đâu, do Baku cảm nhận được sự kiểm soát toàn cầu về việc sử dụng vũ lực đang có nguy cơ xảy ra thì các quan chức Armenia và phương Tây vẫn không hoàn toàn loại trừ khả năng này.

7. Xung đột Mỹ- Trung

Cuộc gặp vào tháng 11 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách thiết lập lại những gì đã sa sút nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước. Nhưng lợi ích cốt lõi của họ vẫn xung đột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các cuộc bầu cử ở Đài Loan cũng như căng thẳng ở Biển Đông có thể sẽ thử thách sự “tan băng” trong mối quan hệ ngoại giao giữa 2 cường quốc này!

Bắc Kinh và Washington đã cố gắng giảm bớt căng thẳng trong một thời gian. Tập muốn tập trung vào nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc và ngăn chặn các hạn chế thương mại tiếp theo của Mỹ, Washington gần đây đã thắt chặt các giới hạn bán công nghệ cao cấp cho Trung Quốc, bổ sung vào một loạt các mức thuế và hạn chế khác. Chính quyền Biden muốn có chút bình tĩnh trước cuộc bỏ phiếu năm 2024 của Hoa Kỳ và trấn an các thủ đô khác đang lo lắng về sự thù địch giữa hai gã khổng lồ rằng họ có thể kiểm soát được cuộc cạnh tranh này.

Đầu năm 2023, các nỗ lực ngoại giao bị đình trệ khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua thềm lục địa của Mỹ và khiến giới truyền thông phát cuồng trước khi bị Mỹ bắn hạ. Nhiều tháng sau, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hủy chuyến điđã đến thăm Bắc Kinh, tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh Biden-Xi.

Cuộc họp đó diễn ra tốt đẹp! Hai nước đã cam kết hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là Bắc Kinh cũng đồng ý mở lại các kênh liên lạc quân sự để giúp quản lý rủi ro xảy ra các cuộc đụng độ ngoài ý muốn khi quân đội hai nước chen lấn trên các vùng biển và vùng trời xung quanh Trung Quốc. Ông Tập đã giành chiến thắng trên sân nhà bằng cách cho thấy ông nắm quyền kiểm soát mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Bắc Kinh.

Những kẻ diều hâu ở cả hai bên đều coi sự cạnh tranh là tổng bằng không. Nói suông về chiến tranh đã bình thường hóa ý tưởng này. Ở châu Á-Thái Bình Dương, việc Bắc Kinh theo đuổi cái mà họ coi là quyền lực lớn hơn mà họ xứng đáng có được với tư cách là cường quốc vượt trội trong khu vực trực tiếp dẫn đến quyết tâm của Washington trong việc duy trì ưu thế quân sự của mình tại đây.

=> Một số quốc gia ở châu Á lo sợ trước sự hung hãn ngày càng tăng của Bắc Kinh, cùng với việc coi chuyện Nga gây chiến tranh ở Ukraine là tiền lệ để thúc đẩy Trung Quốc sẽ nghiêng về quan hệ an ninh chặt chẻ hơn với Mỹ, ngay cả khi họ coi trọng thương mại với Trung Quốc.

  • Biển Đông, nơi Trung Quốc chồng chéo lãnh hải với yêu sách của các quốc gia ven biển khác, trong đó có Philippines, một đồng minh của Mỹ, ngày càng trở nên căng thẳng. Manila chỉ ra các tàu tuần duyên và dân- quân biển Trung Quốc tuần tra vùng biển mà vào năm 2016, tòa án Quốc tế đã ra phán quyết là của Philippines. Tàu Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật hung hãn hơn, bao gồm vòi rồng và thiết bị âm thanh. Họ theo dõi các tàu Philippines, khiến tàu thuyền của hai nước va chạm vào tháng 10 và tháng 12.

Theo Economist

Những đường lãnh hải chồng chéo lên nhau trên biển Đông- Quốc tế gọi biển Hoa Nam

=> Những đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Philippines và việc tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực tranh chấp sẽ ngăn cản Bắc Kinh nhưng cũng mang lại rủi ro. Đối với Trung Quốc, các cuộc diễn tập trên biển báo hiệu quyết tâm trong khu vực trong việc bảo vệ những gì họ coi là chủ quyền quốc gia của mình. Các tàu hoặc máy bay Trung Quốc có thể bắt đầu theo dõi các đối thủ từ Mỹ của họ.

Đài Loan cũng là một điểm nóng. Bắc Kinh tin rằng hòn đảo này nên được thống nhất với lục địa Trung Quốc, một cách lý tưởng là hòa bình, mặc dù điều đó không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Nhưng Washington vẫn muốn ủng hộ ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Đài Loan. Mặc dù Trung Quốc khó có khả năng xâm lược sớm vì việc chọc thủng hệ thống phòng thủ của hòn đảo này sẽ rất khó khăn- Tuy nhiên khi Trung Quốc đại lục càng cảm nhận được chính sách Một Trung Quốc đang bị xói mòn và cơ hội thống nhất đang đóng lại, thì tính toán càng có nhiều khả năng nghiêng về chiến tranh.

Cuộc bầu cử ở Đài Loan vào tháng Giêng sắp tới có thể chứng kiến ​​phó tổng thống hiện tại, Lại Thanh Đức- người mà Trung Quốc coi là một kẻ chống Trung Quốc, lên nắm quyền. => Bắc Kinh có thể tăng áp lực lên Đài Bắc – chẳng hạn như tăng số lượng lớn tàu chiến và máy bay Trung Quốc quanh hòn đảo này hoặc tái áp đặt các rào cản đối với hàng hóa Đài Loan – trong nỗ lực thúc đẩy chính phủ mới hướng tới sự tôn trọng Bắc Kinh nhiều hơn.

Hiện tại, có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất là máy bay hoặc tàu của Trung Quốc và Mỹ chạm mặt nhau.

Theo Lầu Năm Góc, số lượng các cuộc chạm trán nguy hiểm trong hai năm qua đã vượt quá số lượng trong hai thập kỷ trước đó. Bầu không khí ấm áp hơn sau cuộc gặp Biden-Tập sẽ mang lại một bước đệm, tuy nhiên mọi thứ sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát trong trường hợp xảy ra rủi ro, đặc biệt là liên quan đến thương vong. Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào năm 2001, khi hai máy bay đâm vào nhau, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và buộc một máy bay Mỹ phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc, sự việc đã khiến diễn ra các cuộc đàm phán để tìm ra giải pháp giúp cả hai bên giữ được thể diện.

Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một siêu cường, thật khó để tiếp tục kiểu ngoại giao đó!

Vĩ thanh

Có lẽ điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng trong năm nay là thế giới sẽ nổ lực chung tay vượt qua những cuộc xung đột khi đã chứng kiến quá nhiều những hệ lụy tham tàn của chiến tranh trong quá khứ!

Một điểm sáng vào năm 2023 là sự xích lại gần nhau giữa Iran và Ả Rập Saudi, đó là kết quả của sự hòa giải của Iraq, Oman và Trung Quốc, giúp giảm bớt sự kình địch đã thúc đẩy các cuộc chiến tranh ở Ả Rập trong nhiều năm. Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, vừa mới đắc cử và lo sợ trước việc Nga xâm chiếm Ukraine, đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp kéo dài giữa hai nước về Biển Aegean. Hội nghị thượng đỉnh được phối hợp nhịp nhàng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm 2023 đã phần nào hạ nhiệt cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.

Tuy nhiên, trên chiến trường khó tìm ra các cơ hội để ngừng chiến đấu và giảm thiểu những đau thương khi chúng phát sinh, cũng như tăng cươngf nỗ lực để ngăn chặn xung đột lan rộng. Điều đó gần như chắc chắn có nghĩa là chấp nhận những thỏa thuận thiếu sót giữa các bên tham chiến thì tốt hơn là gây chiến kéo dài. Ngày nay, thật vô nghĩa khi không thể loại bỏ những kẻ- dù trên chiến trường hay từ xa, đứng đằng sau bạo lực nhưng cũng cần nổ lực cho việc này. Và các nhà lãnh đạo thế giới nên chú ý đến những cuộc xung đột được cho là đã “đóng băng” trước khi quá muộn, như thảm kịch ở Gaza đã minh họa.

Nói cách khác, hãy hy vọng vào điều tốt đẹp nhất, nhưng việc xây dựng hòa bình ngày nay chủ yếu là ngăn chặn điều tồi tệ nhất!

Mỗi thế hệ đều cho mình có nghĩa vụ xây dựng thế giới. Nhưng thế hệ của chúng ta thì khác, nhiệm vụ thế hệ chúng ta lại to lớn hơn! Đó là ngăn chặn thế giới sụp đỗ vào trong lòng chính nó!

Tham khảo

Xu thế bất ổn 2024

Dự đoán các xu hướng địa chính trị năm 2024

Cuộc xung đột Israel- Hamas

Israel-Hamas war’s staggering toll reaches a grim milestone: 20,000 dead

What to know about Hamas’ military capabilities

Chiến tranh Ukraine

‘Everything for the front’: Russia allots a third of 2024 spending to defence

Ukraine’s commander-in-chief on the breakthrough he needs to beat Russia

Rockets fired at U.S. Embassy in Iraq as Mideast violence keeps escalating

Xung đột Trung Đông mở rộng

Iran’s nuclear program is advancing. So too should negotiations.

Xung đột Ethiopia

War in Tigray may have killed 600,000 people, peace mediator says

Cuộc Xung đột Azerbaijan-Armenia

Azerbaijan kiểm soát hoàn toàn Nagorno-Karabakh, quân ly khai Armenia sắp giao nộp vũ khí

Armenia says more than 100,000 people fled Nagorno-Karabakh

Xung đột Mỹ- Trung

U.S. Tightens Curbs on AI Chip Exports to China, Widening Rift With Nvidia and Intel

Sách

Quyền lực của Địa lý- Tim Marshall

Trật tự thế giới- Henry Kissinger

Cộng đồng cho anh em

7 Likes

tính góp ý bài dài quá, mà nghĩ ad viết vậy cũng có chủ đích

4 Likes

rãnh viết chơi mà bác

3 Likes

tính ra mấy ông Do thái với cả palestine mà đánh nhau căng thì mệt quá nhỉ

4 Likes

bàn cờ lớn mà bác, một nước đi sẽ ảnh hưởng tới tổ hợp những nước đi tiếp theo

4 Likes
4 Likes

có nên viết thêm về chính trị Đài Loàn và những tác động của cuộc bầu cử ở Đài Loan gần đây không nhỉ

6 Likes

được thì ad phân tích luôn tác động đến VN thế nào cho anh em rõ

6 Likes

ok bác!

6 Likes
6 Likes

bài này viết lâu rồi

6 Likes

đúng là tinh thần dân tộc, tôn giáo ghê thật. Các cường quốc từng xem thường sức mạnh này đều thảm bại

5 Likes

ad trực tiếp phân tích cổ phiếu luôn đi ad

4 Likes

3 Likes

@nongdanmientay bác muốn em phân tích cổ phiếu nào nè

3 Likes
3 Likes

hay từ nay dùng pic này cập nhật tình hình địa chính trị thế giới thay pic chuyển động toàn cầu nhỉ\

4 Likes

quyết định vậy đi, cho pic kia về hưu!

4 Likes

mã cha cái đường lưỡi bò

4 Likes