Câu hỏi rất hay và cần thiết cho những bạn mới tham gia chứng khoán đó @nguyendinh Tuy nhiên, để trả lời một cách chi tiết sẽ là điều không thể trong phạm vi chủ đề. Ở bài viết đầu tiên, mình đã nêu quan điểm về các phương pháp sử dụng trong chứng khoán, không có phương pháp nào là toàn diện. Mỗi người sẽ phải tự tìm ra cách riêng cho bản thân từ việc “xào nấu” kiến thức từ sách vở và từ người khác.
Trong chủ đề này, mình đã có các bài viết nói về cách xác định một số khái niệm cơ bản và đó là kinh nghiệm của mình. Khi các bạn đọc được thì nó lại trở thành lý thuyết. Chỉ có áp dụng, trải nghiệm, kiểm chứng và điều chỉnh thì những điều đó mới trở thành kinh nghiệm của các bạn.
Mình cũng từng được đặt câu hỏi như trên khi còn học ở trường. Có cách nào “đơn giản” để đạt được kết quả một cách nhanh chóng không? Câu hỏi này cũng chính là phần thi thử thách cuối cùng trong cuộc thi ngày đó (xem Bài số 947). Câu trả lời của mình là… mình không nói đâu nha
Nếu mình có khả năng quay về quá khứ vào ngày thi hôm đó, mình cũng chỉ muốn làm khán giả để ngồi nghe và nhìn lại bản thân thôi, sẽ không có sự sửa đổi nào khác. Vì sao nhỉ? Vì cơ bản đáp án không có đúng, không có sai. Trong hoàn cảnh, thời điểm, nơi ở khác nhau thì chỉ có nhận thức của mình phải thích nghi và xây dựng các phương pháp dựa trên các nền tảng kiến thức có sẵn. Kể cả khi tìm được cách đơn giản với mình thì với người khác có thể không phù hợp.
Vì vậy, thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi trên, mình sẽ “tạo ra” một giới hạn an toàn cho các bạn mới tham gia chứng khoán như @nguyendinh. Giới hạn này như “vòng tròn bảo vệ” mà Tôn Ngộ Không đã tạo ra cho người thầy của ông để tránh khỏi nguy hiểm. Đó là bộ các Nguyên tắc cơ bản được tổng hợp từ các trang sách, tài liệu nghiên cứu và đã được mình kiểm chứng sự hiệu quả. Đây không phải nguyên tắc do mình viết ra. Khi về VN, mình đã có một vài điều chỉnh cho phù hợp và chia làm 2 nhóm: “lướt sóng” và “nắm giữ”. Bắt đầu ngay thôi
Lướt sóng:
-
Biết đủ và chốt lãi luôn đúng.
(Đặt ra % lợi nhuận kì vọng cố định và chốt lãi khi đạt hoặc vượt kì vọng) - Cắt lỗ khi cp đã về tài khoản và tổng âm hơn 7%.
- Mua trong xu hướng Tăng và vào ra đúng Nhịp.
(Mua sau Đáy của nhịp và Bán sau Đỉnh của nhịp) - Mua sau nến xanh. Bán sau nến đỏ.
- Mua giá đỏ. Bán giá xanh.
- Mua từng phần. Bán toàn bộ.
- Tránh cp thanh khoản trung bình quá thấp (<250K).
- Nương vào lái nếu là cp bị chi phối mạnh.
- Luôn kiểm chứng lại các khuyến nghị.
Nắm giữ:
-
Cơ bản tốt hoặc rất tốt.
(Phải tự tìm hiểu và học hỏi từ người có chuyên môn hoặc… đã được BEAR khen) -
Cam kết nắm giữ ít nhất 1 năm. Mặc kệ “sóng gió”.
(Chỉ có Target về Thời gian nắm giữ. Không đặt Target về Giá) - Mua trong xu hướng Tăng và vào ra đúng Nhịp.
(Mua sau Đáy của nhịp và Bán sau Đỉnh của nhịp) - Mua giá đỏ. Bán giá xanh.
- Mua toàn bộ. Bán toàn bộ.
- Tìm những bạn đồng hành thật sự. Tránh xa “đám đông”.
- Luôn theo dõi thông tin về cty. Không được “làm lơ”.
- Tham khảo ý kiến chuyên gia.
Bản thân mình đã áp dụng hai bộ nguyên tắc này vào các quyết định giao dịch chứng khoán trong suốt quá trình học tập ở nước ngoài. Một số nguyên tắc đã được mình loại bỏ và thay thế để phù hợp với thực trạng TTCK VN và TTCK ở các quốc gia từ năm 2020. Cứ mỗi 10 năm sẽ được mình đánh giá lại một lần.
Chính vì là giới hạn an toàn nên chắc chắn sẽ không mang lại lợi nhuận tối ưu nhất. Những nguyên tắc này sẽ giúp các bạn mới tham gia TTCK có căn cứ để kiểm soát hành vi giao dịch của bản thân. Cho đến khi, các bạn trang bị “vừa đủ” kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tâm lý vững vàng và sự kỷ luật như “một người lính”. Lúc đó, các bạn mới có thể “bước ra” khỏi “vòng tròn an toàn” để đối mặt với những thử thách lớn hơn, kèm theo những khoản lợi nhuận vượt trội hơn.
Ở trên là bộ nguyên tắc được mình chọn. Quan trọng hơn, điều mình mong muốn là các bạn xem được bài viết này phải “biến” những điều trên thành bộ nguyên tắc riêng của bản thân các bạn. Tuân thủ, áp dụng, kiểm chứng và điều chỉnh để có sự phù hợp cho những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Từ đó, các bạn mới có “cách riêng” để chia sẻ cho người khác, đặc biệt là cho thế hệ sau.
Cuối cùng, dù có theo nguyên tắc nào đi nữa, hãy luôn nhớ: Lớn thuyền thì lớn sóng, muốn gặt hái thành quả lớn thì phải chấp nhận đương đầu với nhiều khó khăn. Và, điều không thể phủ nhận đó là tham vọng càng lớn thì phiền não cũng càng nhiều. Đừng bao giờ đánh mất những giá trị tốt đẹp của bản thân. Làm những điều tử tế sẽ nhận lại được sự tử tế.
Mình dừng ở đây nha Chúc @nguyendinh có được những quyết định ngày càng chính xác hơn và hãy tiếp tục học hỏi theo cách như vậy nha!
Đây là bài số 976. Các bạn xem được bài viết hãy ghi chép lại để “nhắc nhở” bản thân tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản và quan trọng này. Đồng thời, hãy chia sẻ bài viết đến nhiều bạn khác nữa nha
+++ Bài số 1 đã hết hạn chỉnh sửa nên Danh mục bài viết sẽ không được cập nhật nữa. Các bạn bấm vào đây hoặc theo dõi các bài cập nhật kế tiếp để xem danh sách mới nhất nha.
+++ Hãy chia sẻ chủ đề này cho những ai đang cần và mất phương hướng mà bạn biết nha. Điều này có thể thay đổi phần nào cuộc đời của họ.